ĐÌNH LÀNG KHUÊ BẮC DI TÍCH VĂN HOÁ, LỊCH SỬ
Nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, đình làng Khuê Bắc thuộc làng Sơn Thuỷ, Tổng Bình Thới xưa. Đình được xây dựng mặt hướng về phía Bắc, phía sau là hòn Tiểu Hổ Sơn, nay thuộc địa bàn quận Ngũ Hành Sơn trong không gian của quần thể núi đá vôi.
Đình làng được xây dựng theo kiến trúc 5 gian, kiểu “Tiền phong hậu tẩm” với những nét kiến trúc thật mỹ thuật độc đáo dù đã phôi pha qua năm tháng.
Theo thông tin từ Phòng VH-TT quận Ngũ Hành Sơn thì đình làng được xây dựng dưới từ đời vua Thiệu Trị (1840-1847), điềù thú vị là cạnh đình còn có một giếng làng theo mô hình giếng Chăm cổ (thường gọi là giếng Mọi) được lót bằng đá, dân làng thường lấy nước ở đây về sinh hoạt hiện còn thanh đá gát đòn gánh bên bờ giếng , giếng hiện nay vẫn còn có nước đầy nhưng khó tìm vị trí của giếng vì cây cỏ che khuất và hoang sơ
Mỗi năm có 2 lễ chính cầu cho mưa thuận gió hoà diễn ra vào ngày 20/3 và 20/8 âm lịch, ngoài việc cúng lễ hàng năm thì cứ 3 năm một lần, làng mở lễ hội lớn, có hát bộ, đua thuyền…mấy ngày liền nên mọi người về dự rất đông vui, theo người dân cho biết ngôi đình này xưa kia đẹp lắm, phía trước có 2 con rồng đá chầu, có cây phượng vĩ thật to, hai dãy bên có hàng thị 12 cây, thời đó có lệ ai trồng lúa trên đất của đình thì hằng năm phải nộp lợi tức, để làng lấy đó tổ chức cúng đình hằng năm, trong đình thờ các bậc tiền hiền và thần Chămpa… đến năm 1971 thì ngôi đình bị chiến tranh tàn phá.
Tại khu vực đình làng Khuê Bắc tọa lạc, các nhà khoa học còn phát hiện ở đây có 2 tầng lớp văn hóa riêng biệt, lớp trên là lớp văn hóa Chăm sớm có niên đại vào thế kỷ IV – XI đã bị phá hủy nặng nề và lớp văn hóa Sa Huỳnh sớm-sơ kỳ kim khí ở miền Trung Việt Nam có những tính chất chung, đồng dạn với các địa điểm cùng thời đã được phát hiện tại Quảng Trị, Quảng Nam…
Vào năm 1999, GS Trần Quốc Vượng trong một lần khai quật tại Vườn đình Khuê Bắc, khi đào sâu chưa đến 1 m đã tìm thấy 5 chiếc rìu đá và hai mộ nồi các hiện vật này được nhận định có niên đại cách đây 3000 năm, còn có khuyên tai, bình hình trứng Chăm
( tìm thấy ở Mỹ Sơn và Lý Sơn-Quảng Ngải), đá tím mài, gạch ngói Chăm ( mới tìm thấy ở Trà Kiệu), đồng tiền Ngũ Thù Tây Hán, tiền Vương Mãng…
Cùng với di chỉ khảo cổ Nam Thổ Sơn (nằm trên cùng một khu vực)đã chứng tỏ mảnh đất Ngũ Hành Sơn xưa kia là kiểu làng-bến-thị có sự buôn bán trao đổi hàng hóa, có thể khẳng định nơi đây là vùng đất cổ, nơi đã có con người sinh sống từ xa xưa.Mặt dù có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa nhưng di tích Vườn đình Khuê Bắc hiện nay hầu như bỏ hoang phế qua thăng trầm với thời gian dù đã được Thành phố phân định ranh giới hơn 8 ha và có rào bảo vệ. Trong mùa Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2009, đã có một hội thảo của các nhà nghiên cứu văn hoá lịch sử về di tích Vườn đình Khuê Bắc để mong bảo tồn những giá trị văn hoá quý báu mà cha ông ta để lại.
Thiết nghỉ Sở VH-TT&DL Thành phố cần có các biện pháp cần thiết để sớm trùng tu, phục dựng lại Vườn đình làng Khuê Bắc thì lễ hội đình làng Khuê Bắc sớm sẽ được phục hồi đáp ứng đời sống văn hoá tinh thần của người dân cũng như bảo tồn các di tích Miếu Tam vị, Miếu Bà Còng, giếng nước cổ, mộ cổ…trong không gian chung của Công viên Văn hóa Lịch sử Ngũ Hành Sơn thì những giá trị văn hóa, lịch sử ở đây sẽ là một điểm đến mở rộng không gian du lịch cho mọi người .
Viết Dũng