Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Người đàn ông hoàng tộc và chuyện kỳ bí về pho tượng Phật khổng lồ

billgate (theo doisongphapluat.com )
Gửi 05:51am | 31/12/2013


A- A+ ‹Đọc›
Thích tắt quảng cáo hãy nhấn nút 
Có gốc gác hoàng tộc và sẵn mang trong mình dòng máu đam mê nghệ thuật, ông tự học để trở thành điêu khắc gia nổi tiếng với những pho tượng Phật khổng lồ và xung quanh những pho tượng là những câu chuyện kỳ bí đầy huyễn hoặc.

Nhà điêu khắc Thụy Lam.
Nhà điêu khắc Thụy Lam.
Duyên nghiệp với nghề điêu khắc
Nhà điêu khắc Thụy Lam tên thật là Phạm Dân Chủ. Bây giờ tên tuổi của điêu khắc gia Thụy Lam đã vang danh thiên hạ, nhất là khi pho tượng Phật Di Lặc do ông cùng cộng sự làm đặt trên núi Cấm (còn gọi là Thiên Cấm Sơn) ở tỉnh An Giang đạt Kỷ lục Việt Nam năm 2006 rồi đạt Kỷ lục châu Á vào ngày 2/3/2013. Nhưng để có được những thành công đó, ông đã phải miệt mài khổ công tự học, trải qua bao gian khó nhọc nhằn.
Theo lời ông kể, mẹ ông vốn là con cháu của tướng Võ Tánh- một trung thần của vua Gia Long. Bà cố bên mẹ ông là em vua Gia Long, vợ của Võ Tánh, theo anh chạy trốn  nhà Tây Sơn đã vào vùng Nha Mân- Đồng Tháp sinh sống. Thời gian sau, cha mẹ ông lập nghiệp ở vùng Long Sơn (huyện Tân Châu, tỉnh An Giang) rồi sinh ông ở đây. Ít lâu sau gia đình ông qua Phnom Penh- Campuchia sinh sống. Cậu bé Phạm Dân Chủ được gửi vào học ở một trường dòng. Ông được dạy nhiều thứ về mỹ thuật ở đây.  Học xong, ông đi làm cho hãng thầu của người Pháp tại Campuchia.
Năm 1970, gia đình ông trở về Sài Gòn sinh sống. Để mưu sinh, ông đi làm thợ trang trí mỹ thuật cho khách sạn Đệ Nhất. Lúc đó, những người thầy danh tiếng ở trường cao đẳng Mỹ thuật Gia Định như: Giáo sư Kỉnh, Nguyễn Huyền, Thiếu Linh... nhận thầu khách sạn này. Họ đã chỉ bày cho ông về thủ thuật trang trí. Có năng khiếu bẩm sinh cộng với lòng ham học hỏi, ông đã lĩnh hội được những bài học về nghệ thuật trang trí từ những người thầy.
Cũng trong giai đoạn này, ông đã học được kỹ thuật điêu khắc. Ông kể: “Hồi đó, khách sạn Đệ Nhất có một bức tượng Mỹ nhân ngư được đặt trong hòn non bộ dưới chân cầu thang. Vì không tính toán kỹ nên tượng được làm bằng thạch cao, khi nước chảy làm lở hư bức tượng nên phải sửa lại. Tôi được giao sửa bức tượng lúc đầu cũng lo lắng, vì mình chưa làm tượng bao giờ, nhưng mấy ông thầy động viên, chỉ bảo nên tôi mạnh dạn làm. Khi làm xong, ai cũng khen bức tượng đẹp, có hồn. Đó là duyên nghiệp đưa tôi đến với nghề điêu khắc”.
Điêu khắc gia Thụy Lam và câu chuyện kỳ bí về những pho tượng Phật khổng lồ
Bức tượng Di Lặc.
Khai ngộ về Phật giáo và triết học phương Đông
Sau năm 1975 đất nước gặp nhiều khó khăn, văn nghệ sỹ cũng lao vào vật lộn để mưu sinh. Dành dụm được ít tiền cộng với số vốn gia đình cho, ông đi buôn ve chai. Tình cờ, nghề nghiệp này đưa ông gặp gỡ nhà thơ, nhà thư pháp Trụ Vũ. Biết Thụy Lam có khả năng về mỹ thuật, nhà thơ Trụ Vũ giới thiệu ông làm việc ở Pháp viện Minh Đăng Quang ở ngã ba Xa lộ Hà Nội- Cát Lái (quận 2, TP.HCM). Ông chuyên trang trí mái đao, vẽ cây bồ đề... Những tháng ngày làm việc ở đây, được các thầy thuyết pháp về đạo Phật, nghe và đọc kinh Phật... ông khai ngộ về Phật giáo. Dưới mái chùa pháp viện này, ông cảm nhận được cuộc sống bình an, thanh tịnh không bon chen, giành giật lợi danh. Từ những cuốn sách ông đọc được, ông ngộ ra những tư tưởng triết học, và tư tưởng văn hoá phương Đông.
“Một họa sỹ bậc thầy của phương Tây, sáng tạo nên trường phái Lập thể  mà cả thế giới ngưỡng mộ là Picasso, nói một câu xanh rờn: “Chúng ta là những học trò của phương  Đông, hãy học hỏi phương Đông”. Phương Tây hướng ngoại còn phương Đông hướng nội. Người họa sỹ, nghệ sỹ phương Tây muốn sáng tạo, họ phải đi ra tìm hiểu thế giới bên ngoài, phải quằn quại đau khổ thì mới sáng tác được. Còn người nghệ sỹ phương Đông thì ngược lại, họ hướng nội, tìm kiến sự an nhiên trong con người mình, khám phá nội tâm và tìm kiếm trong đó để sáng tạo. Vì thế, người phương Tây thường hay bạo động, thích có những sự cách tân, cách mạng. Còn người phương Đông tìm kiếm, hướng đến sự hòa hợp, bình an trong cuộc sống”, nhà điêu khắc Thụy Lam nói.
Thời gian này, ông cũng được các bậc thầy về mỹ thuật Phật giáo như: Trương Đình Ý, Lê Văn Chánh, Minh Dung hướng dẫn thêm. Đặc biệt ông được nhà điêu khắc về Phật giáo nổi tiếng ở vùng Phú Lâm (TP.HCM) là ông Bảy Chánh tận tình chỉ dạy, nên từ chỗ chuyên vẽ, ông chuyển qua làm tượng. Từ đó, ông bắt đầu bước vào nghề điêu khắc.
Những bức tượng Phật khổng lồ huyền bí
Năm 2002, ông được mời làm bức tượng Phật Di Lặc trên núi Thất Sơn, tỉnh An Giang. Lúc đầu, những người thiết kế dự án tính làm tượng Phật Quan Âm hoặc Thích Ca. Nhưng ông đã thuyết phục họ làm tượng Phật Di Lặc. Bởi theo ông, tượng Phật Di Lặc với nụ cười an nhiên mang lại niềm vui, thư thái lạc quan và gần gũi với đời sống con người hơn, nhất là những người dân miền Tây. Đặt tượng Phật Di Lặc sẽ làm bình dân hóa khu vực đó đi, không thần thánh huyền bí hóa khiến người dân vui thích hơn khi đến đây, bởi núi Cấm không chỉ là nơi hành hương, mà còn là một nơi để du khách tới nghỉ ngơi, tham quan du lịch. Nghe ông phân tích, họ đồng ý.
“Phật Di Lặc thường được vẽ cùng 6 đứa bé, nhưng trong thực tế chỉ có 5 đứa bé. Sáu đứa bé tượng trưng cho lục tặc (sáu thằng giặc): Nhãn (mắt), tai (nhĩ), tỷ (mũi), thiệt (lưỡi), thân (cảm xúc), ý (ý nghĩ). Nhưng thực tế vì không vẽ được ý nghĩ nên chỉ còn 5 đứa bé đứa chỉ mắt, đứa chỉ tai...  cùng Phật Di Lặc. Tượng Di Lặc thường được vẽ tươi cười, hai tay ngửa cao đẩy thỏi vàng lên trên, người ta tưởng lầm là thần tài. Sự thật là ngài đẩy thỏi vàng ra, vì trong kinh điển Phật giáo, vàng là con rắn độc”, ông nói.
Để làm bức tượng khổng lồ này (cao 33,60m, tương đương 10 tầng lầu, nặng 80 tấn, bệ tượng có diện tích 1.000m2) ông phải ăn chay và dựng lán trên núi Cấm hàng năm trời. Trong quá trình làm tượng, ông phải nhập thiền, quán tưởng để hình dung ra diện mạo, thần thái riêng của bức tượng Di Lặc. “Làm tượng Phật, khó nhất là làm khuôn mặt để tạo ra thần thái của tượng sao cho vừa uy nghi, vừa thông tuệ mà bác ái. Với tượng Phật Di Lặc, thì ngoài những cái trên, cái khó là tạo dáng cho nụ cười của tượng phải vừa có hồn, vừa đẹp và vui”, điêu khắc gia Thụy Lam nói.
Để xây tượng trên núi Cấm, vì không có đường, núi lại cao, không dùng xe chở vật liệu lên được, họ phải dùng sức người chở từng xe cải tiến cát, đá... lên núi xây. Ròng rã ba năm, đến năm 2005, bức tượng mới hoàn thành. Sau đó tượng được trao Kỷ lục Việt Nam rồi kỷ lục châu Á cho bức tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á. “Trong quá trình làm tượng, có nhiều tại nạn hy hữu xảy ra. Nhưng có lẽ nhờ tâm linh hay sự màu nhiệm, phù hộ của Đức Phật mà không xảy ra chuyện đáng tiếc gì. Có lần, khi thợ cắt sắt đang cắt thanh sắt dư, vừa xong chưa kịp cầm lấy thì bị rơi thanh sắt xuống đất, nó rơi thẳng, trúng chỗ một công nhân đang ngồi ở dưới. Cũng may, thanh sắt chỉ cắm vào chiếc quần anh này mặc, dính chặt xuống đất nên không bị gì”, ông kể.
Và kỳ tích thoát hiểm
Thời gian sau, ông được mời ra Bãi Bụt ở bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng để sửa lại bức tượng Bồ Tát Quan Thế Âm ở đó. Tượng cao 70m, mặt nhìn ra biển. Trong quá trình làm tượng, nhiều hiện tượng lạ đã xảy ra ở đây. “Ở đỉnh núi Sơn Trà gió biển mạnh và thổi thường xuyên. Một xe cát vừa đổ xong gió thổi bay hết. Vật lộn cùng mưa gió ba năm, chúng tôi mới làm xong. Khi mở tượng Phật Bà, điều kỳ diệu đã xảy ra là có hiện tượng khúc xạ ánh sáng tạo thành vòng tròn trên đầu bức tượng như một vầng hào quang. Mọi người đều nghĩ đó là vầng hào quang linh thiêng của Phật Bà. Sau đó, nhiều lần, vầng hào quang này xuất hiện trên bức tượng. Trước đó, một lần tôi ngủ trong chòi cây dựng trên vách núi cao 300m so với mặt biển thì gặp một con rắn độc to, đen sì. Tôi sợ quá, nhưng chỉ còn biết nằm im, niệm Phật, một lúc sau con rắn bò đi”, điêu khắc gia Thụy Lam kể.
Phật Di Lặc là biểu tượng của mùa Xuân, hạnh phúc an lành
Theo sách “Ý nghĩa hình tượng Bồ tát Di Lặc và sáu đứa bé” của hòa thượng Thích Thanh Từ, NXB Tôn giáo, thì Đức Phật Di Lặc thường được in trên thiệp chúc Tết mỗi độ Xuân về. Đức Phật Thích Ca được gọi là ta bà giáo chủ, là vị giáo chủ trong cõi Ta bà này. Còn Đức Phật Di Lặc sẽ thành đạo dưới cội long Hoa nên gọi là Long Hoa giáo chủ... Khi nghĩ Đức Phật Di Lặc ra đời chúng ta sẽ cảm thấy một nguồn hạnh phúc an lành. Ngày mồng một Tết là ngày vía Đức Phật Di Lặc, ngày hứa hẹn hạnh phúc cho chúng sanh, giải thoát khỏi khổ đau, ra khỏi luân hồi, không phải hạnh phúc trong ngũ dục tầm thường.


Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=783451#ixzz2qZjMKdxU
doc tin tuc www.xaluan.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ